Trường Đại Học Mở Hà Nội

Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng 2016 tại Viện Đại học Mở Hà Nội

Ngày đăng 16/04/2016

Download tài liệu này tại đây.

LỜI NÓI ĐẦU

Viện Đại học Mở Hà Nội là trường đại học công lập được thành lập ngày 03/11/1993 theo Quyết định số 535/TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý.

Viện Đại học Mở Hà Nội mở cơ hội học tập cho mọi người với đa loại hình, đa cấp độ, đa ngành đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Viện Đại học Mở Hà Nội có 16 ngành, chuyên ngành đào tạo Đại học và 7 ngành đào tạo Cao học. Trong 20 năm qua đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho 126.082 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, thạc sỹ. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp theo thống kê hàng năm là 95,77%.

Hiện nay, Viện Đại học Mở Hà Nội có 36.308 sinh viên  đang theo học bậc học đại học. Mức đóng học phí của sinh viên, học viên theo quy định của Chính phủ cho trường đại học công lập. Hàng năm, Viện Đại học Mở Hà Nội xét trao học bổng cho hàng nghìn sinh viên xuất sắc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HỆ CHÍNH QUY NĂM 2015

GIỚI THIỆU NGÀNH, CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO

I. NGÀNH CÔNG NGHỆ SINH HỌC

(Tên tiếng Anh: Biotechnology)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D420201
  2. Thời gian đào tạo:            4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Công nghệ Sinh học
  4. Chương trình đào tạo

Sinh viên theo học ngành Công nghệ sinh học sẽ được trang bị  kiến thức toàn diện bao gồm kiến thức khoa học cơ bản như toán học cao cấp, hóa học, vật lý, tế bào học, hóa lý; các kiến thức cơ sở ngành như Vi sinh công nghiệp, Hóa sinh công nghiệp, Sinh học phân tử và Kỹ thuật gen, Quá trình thiết bị, Cơ học ứng dụng, Điện kỹ thuật và Tối ưu hóa; Kết hợp với kiến thức kỹ thuật chuyên ngành như Công nghệ sản xuất enzyme, công nghệ gen, công nghệ lên men vi sinh và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm  ứng dụng trong Công nghệ Sinh học. Bên cạnh đó, sinh viên được lựa chọn chuyên ngành hẹp chuyên sâu và các học phần kiến thức bổ trợ thuộc các lĩnh vực:

Công nghệ sinh học Thực phẩm nhằm trang bị các kiến thức về Công nghệ sản xuất đồ uống lên men, lên men thịt cá, rau quả, Phụ gia thực phẩm và Bao bì thực phẩm.

Công nghệ Sinh học Môi trường trang bị các học phần về Công nghệ xử lý chất thải hữu cơ, Xử lý chất thải nguy hại, Kinh tế môi trường.

Công nghệ sinh học Y- Dược cung cấp kiến thức về Công nghệ sản xuất kháng sinh, công nghệ Vắc xin, công nghệ tế bào và công nghệ sản xuất kít chẩn đoán phân tử.

Công nghệ sinh học Nông nghiệp gồm Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, Phân bón vi sinh, Nuôi cấy nấm ăn và nấm dược liệu và thuốc trừ sâu vi sinh. 

 Sau khi tốt nghiệp, Kỹ sư Công nghệ Sinh học có đủ khả năng xây dựng và thiết kế, áp dụng các qui trình công nghệ để triển khai sản xuất các sản phẩm, chế phẩm sinh học;  thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

- Là cán bộ kỹ thuật hoặc quản lý tại các công ty sản xuất và chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, nhiên liệu sinh học, công ty bia, rượu, nước giải khát (Công nghiệp thực phẩm); Công ty chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường, Xử lý môi trường (môi trường); Các trung tâm, bệnh viện, phòng xét nghiệm hóa sinh, vi sinh, chẩn đoán phân tử, công ty sản xuất vắc xin, công ty dược phẩm (Y – Dược); Công ty sinh phẩm phục vụ nông nghiệp, giống cây trồng, giống và thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y (Nông nghiệp).

-  Là cán bộ quản lý, chuyên viên làm việc tại các phòng chức năng thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học tại các cục, vụ, viện, sở ban ngành trực thuộc các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

- Là cán bộ nghiên cứu tại các viện, Trường ĐH, CĐ, TCCN và bước đầu giảng dạy tại các trường cao đẳng, trung học nghề. 

 

II. NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

(Tên tiếng Anh: Information Technology)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D480201
  2. Thời gian đào tạo:                       4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Công nghệ Thông tin
  4. Chương trình đào tạo

Sinh viên học ngành CNTT được trang bị những kiến thức chung về khoa học tự nhiên như toán học cao cấp, đại số tuyến tính và phương pháp tính toán khoa học, xác suất thống kê… và những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin như toán học rời rạc, tin học đại cương, kỹ thuật điện tử số, kiến trúc máy tính, nguyên lý của các hệ điều hành, cơ sở về phương pháp lập trình cho máy tính, phương pháp tổ chức và khai thác xử lý dữ liệu trên máy tính phục vụ cho tính toán và lưu trữ trên bộ nhớ ngoài…

Đặc biệt, sinh viên ngành CNTT được trang bị những kiến thức chuyên sâu của ngành như phương pháp quản trị hệ thống dữ liệu (SQL Server, DB2), lý thuyết về mạng và truyền thông, phương pháp phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, phương pháp và ngôn ngữ lập trình hiện đại (C#, Java), các nguyên lý - phương pháp và công cụ thiết kế đồ họa (Photoshop, AutoCad), phương pháp và các công nghệ phát triển ứng dụng trên thiết bị di động (Android, iOS),… Để phục vụ tốt nhất cho phát triển chuyên môn nghiệp vụ khi làm việc, sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu như trên đồng thời được định hướng nghề nghiệp theo 4 nhóm chính sau: Công nghệ phát triển ứng dụng Web, Công nghệ mạng máy tính, Công nghệ đồ họa máy tính, Công nghệ phát triển ứng dụng trên thiết bị di động,…

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Các kỹ sư thiết kế, xây dựng và vận hành các hệ thống ứng dụng máy tính trong các lĩnh vực của thực tế như công tác hành chính - văn phòng, văn thư - lưu trữ…
  • Các kỹ sư thiết kế chuyên nghiệp về đồ họa gồm các sản phẩm đồ họa mỹ thuật và đồ họa kỹ thuật, tham gia các dự án phần mềm trong thiết kế đồ họa tương tác người máy, các hệ thống thực tại ảo…
  • Tham gia thiết kế, xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng trực tuyến trên nền Web với các công nghệ hiện đại như Microsoft.Net, J2EE, PHP…
  • Tham gia thiết kế, xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động với công nghệ mới như Android, iOS…
  • Các chuyên gia nghiên cứu, phân tích để cố vấn, tham mưu cho các tổ chức nhằm hoạch định các chính sách về CNTT, thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT cho tổ chức hiệu quả và sâu rộng.
  • Nghiên cứu viên - tham gia các nhóm nghiên cứu trong các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin, các viện nghiên cứu về các lĩnh vực có liên quan trong và ngoài nước.
  • Tham gia trợ giảng và hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài nước,…

 

III. NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ, TRUYỀN THÔNG

Tên gọi cũ là ngành: Điện tử - Viễn thông

(Tên tiếng Anh: Technical Engineering of Electronics and Communications)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D510302
  2. Thời gian đào tạo:            4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Kỹ sư
  4. Chương trình đào tạo

Sinh viên theo học được trang bị kiến thức cơ sở cốt lõi và cần thiết về cấu kiện quang điện tử, mạch điện, vật liệu và linh kiện; xử lý và truyền dẫn tín hiệu; mạch và hệ thống; máy tính, mạng máy tính và viễn thông; lập trình. Ngoài ra, sinh viên cũng được tiếp cận khối kiến thức toàn diện và hiện đại cả về lý thuyết lẫn thực hành trong: hệ thống viễn thông; hệ thống mạng máy tính; hệ thống điện tử dân dụng, chuyên dụng; phát thanh truyền hình; kỹ thuật vệ tinh; lập trình di động; kỹ thuật phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực hội tụ điện tử - tin học - viễn thông.

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Các công ty công nghệ, viễn thông, truyền thông đa phương tiện, công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các công ty viễn thông truyền số liệu, các công ty điện thoại di động, các công ty truyền tin qua hệ thống vệ tinh, các công ty tư vấn giải pháp và kinh doanh các dịch vụ điện tử, viễn thông: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (VIETEL), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC), Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Trung tâm quản lý bay, các cảng hàng không, sân bay).
  • Làm việc tại phòng Kỹ thuật các đài truyền hình, đài phát thanh, hay các phòng chức năng: Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, Công nghiệp điện tử… của Sở Thông tin và truyền thông, Bưu điện…ở các Tỉnh, Thành phố trong cả nước.
  • Làm việc tại các công ty sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông: Nhà máy  Sam sung, nhà máy Nokia......
  • Các đơn vị, cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp có yêu cầu chuyên môn về điện tử, máy tính và viễn thông: Bộ thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và công nghệ, Cục tần số, Vụ công nghệ cao…..
  • Các tổ chức giáo dục và đào tạo: trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề.
  • Các viện, trung tâm nghiên cứu của các Bộ, Ngành.

 

IV. NGÀNH KẾ TOÁN

(Tên tiếng Anh: Accounting)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D340301
  2. Thời gian đào tạo:                        4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Cử nhân
  4. Chương trình đào tạo

Theo học ngành kế toán, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ sở của khối ngành Kinh doanh và Quản lý như Kinh tế vĩ mô - Kinh tế vi mô - Luật kinh tế - Kinh tế đầu tư - Tài chính tiền tệ - Thống kê doanh nghiệp - Tài chính doanh nghiệp - Tín dụng và thanh toán quốc tế . Ngoài ra, sinh viên được trang bị những kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành đào tạo như: Nguyên lý kế toán - Kế toán tài chính - Kế toán quốc tế - Kế toán quản trị - Kế toán hành chính sự nghiệp - Kế toán công ty - Phân tích báo cáo tài chính - Kiểm toán - Phân tích hoạt động kinh doanh theo Luật Kế toán, Chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam và Quốc tế, Chế độ kế toán Việt Nam…Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị các kiến thức bổ trợ cho chuyên ngành như Thuế-  Định giá tài sản- Thẩm định dự án đầu tư- Thương mại điện tử- Tin học ứng dụng trong kế toán- Tiếng anh - Kỹ năng mềm…

Tốt nghiệp ra trường, sinh viên thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ như lập chứng từ kế toán, lập và ghi sổ kế toán, lập và phân tích báo cáo tài chính, phân tích hoạt động kinh doanh; Có khả năng xây dựng và tổ chức bộ máy kế  toán ở các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có khả năng hành nghề kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn tài chính, định giá tài sản, tư vấn tổ chức và thực hiện các hoạt động tài chính, kế toán của các đơn vị…

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Các Tổng cục, Cục, Vụ: Tổng cục Thuế; Cục Thuế; Cục Tài chính doanh nghiệp; Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại; Vụ Tài chính; Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán; Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; Vụ Chính sách thuế; Vụ Tài chính tiền tệ…
  • Các phòng chức năng: Kế toán, Quản lý ngân sách… tại các Sở: Sở Tài chính, Sở Công thương, các Chi cục Thuế… ở các tỉnh, thành phố;
  • Các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước;
  • Các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp;
  • Các công ty kiểm toán, công ty tư vấn tài chính, ngân hàng
  • Hành nghề độc lập về Kiểm toán, Kế toán, Tư vấn Thuế, Định giá tài sản, Quản tài viên..
  • Các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng soạn thảo văn bản pháp lý về kế toán nói riêng và về kinh tế quản lý nói chung…
  • Giảng dạy, nghiên cứu tại các trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo ngành Kế toán, Kiểm toán.

 

V. NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

(Tên Tiếng Anh: Business Administration)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D340101
  2. Thời gian đào tạo:                        4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Cử nhân
  4. Chương trình đào tạo:

Với 3 chuyên ngành

+ Quản trị kinh doanh (thuộc Khoa kinh tế)

+ Quản trị Du lịch, Khách sạn (thuộc Khoa Du lịch)

+ Hướng dẫn Du lịch (thuộc Khoa Du lịch)

* Theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, sinh viên không chỉ được học các kiến thức cơ sở ngành kinh tế: Kinh tế vi mô - Kinh tế vĩ mô - Kinh tế phát triển - Kinh tế đầu tư - Kinh tế quốc tế - Kinh tế bảo hiểm - Kinh tế môi trường - Luật Kinh tế…, mà còn được cung cấp những kiến thức cơ bản về ngành:  Quản trị học - Tài chính tiền tệ… Ngoài ra, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng về khối kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Quản trị kinh doanh - Quản trị chiến lược - Quản trị nhân lực - Quản trị tài chính - Quản trị Marketing - Quản trị sản xuất & tác nghiệp - Quản trị chất lượng sản phẩm -  Quản trị công nghệ - Phân tích hoạt động kinh doanh. Đồng thời, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức bổ trợ của chuyên ngành như thị trường chứng khoán, quản trị rủi ro, thương mại điện tử, tiếng anh và tin học trong quản trị kinh doanh…

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm:

  • Các cơ quan quản lý nhà nước; đơn vị hành chính sự nghiệp  với vai trò lãnh đạo hoặc quản lý điều hành; chuyên viên các Cục, Vụ, phòng chức năng như tài chính - kế hoạch, dự án,
  • Các doanh nghiệp, ngân hàng thuộc mọi khu vực kinh tế trong và ngoài nước  với vai trò lãnh đạo hoặc quản lý điều hành; hoặc làm việc tại các phòng chức năng như phòng kinh doanh, phòng kế hoạch, phòng marketing, phòng tổ chức nhân sự, phòng dự án, phòng R&D, phòng thị trường…
  • Các cơ sở đào tạo (các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp), các viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh: với vai trò giảng dạy, nghiên cứu.

* Theo học chuyên ngành Quản trị Du lịch, Khách sạn, sinh viên không chỉ được cung cấp những kiến thức chung của khối khoa học cơ bản: Lịch sử Việt Nam, Địa lý du lịch, Tin học đại cương,…mà còn được trang bị các kiến thức cơ bản về ngành: Tổng quan du lịch, Quản trị học, Giao lưu văn hoá quốc tế, Marketing chiến lược trong kinh doanh du lịch và khách sạn, Tiếng Anh Du lịch chuyên ngành,…Đồng thời sinh viên ngành này còn được đào tạo khối kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành: Quản lý nguồn nhân lực, Marketing điểm đến du lịch, Quản trị nghiệp vụ khách sạn, Kỹ năng nghiệp vụ khách sạn, Quản trị lễ tân khách sạn, Quản trị dịch vụ ăn uống và nhà hàng, Quản trị buồng khách sạn, Giám sát khách sạn,…để sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có khả năng hoạch định chiến lược kinh doanh, tổ chức kinh doanh, lựa chọn thị trường, quản trị tài chính,…đồng thời có khả năng sử dụng thông thạo Tiếng Anh du lịch và sử dụng tốt công cụ tin học trong công việc.

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm:

Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau tại các cơ sở kinh doanh và quản trị khách sạn. Từ bộ phận nhân sự, bộ phận tiền sảnh, bộ phận ẩm thực cho đến công tác quản lý tại các doanh nghiệp du lịch, bao gồm: các doanh nghiệp về ẩm thực (nhà hàng, quán bar, café); các doanh nghiệp về lưu trú (khách sạn); các doanh nghiệp dịch vụ khác có bộ phận dịch vụ khách hàng, thương mại và marketing (ngân hàng, công ty bất động sản, siêu thị, đại lý kinh doanh…). Ngoài ra, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hoặc làm chuyên viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu thuộc lĩnh vực du lịch.

* Theo học chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch, sinh viên không chỉ được cung cấp những kiến thức chung của khối khoa học cơ bản: Lịch sử Việt Nam, Địa lý du lịch, Tin học đại cương,… mà còn được trang bị các kiến thức cơ bản về ngành: Tổng quan du lịch, Quản trị học, Giao lưu văn hoá quốc tế, Marketing chiến lược trong kinh doanh du lịch và khách sạn, Tiếng Anh Du lịch chuyên ngành,… Đồng thời sinh viên ngành này còn được đào tạo khối kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành: Quản lý nguồn nhân lực, Marketing điểm đến du lịch, Chiến lược và quy hoạch du lịch, Kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Quản trị nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Du lịch trọn gói, Quản trị đại lý lữ hành, Quản lý tổ chức sự kiện,…

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm:

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm tốt vai trò hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, chuyên gia tổ chức khai thác và phát triển du lịch trong và ngoài nước hoặc các doanh nghiệp dịch vụ khác có bộ phận dịch vụ khách hàng, thương mại và marketing (ngân hàng, công ty bất động sản, siêu thị, đại lý kinh doanh…); đảm nhiệm được các vị trí điều hành, quản lý tại các cơ sở kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp du lịch lữ hành nhà nước, tư nhân và liên doanh, các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện, văn phòng thương mại, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ,…

 

VI. NGÀNH LUẬT KINH TẾ

(Tên Tiếng Anh Economic Law)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D380107
  2. Thời gian đào tạo:                        4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Cử nhân 
  4. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo trang bị cho người học bên cạnh các kiến thức chung của khối ngành khoa học xã hội là nền tảng kiến thức cơ bản ngành đến kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành Luật Kinh tế với các môn học mang tính thực tiễn và ứng dụng cao như: Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Lao động, Luật Tài chính, Luật Ngân hàng, Luật Chứng khoán và thị trường chứng khoán, Luật Thương mại quốc tế, Pháp luật kinh doanh bất động sản, Luật Sở hữu trí tuệ,… Bên cạnh đó, các môn học phát triển kỹ năng chuyên ngành như Kỹ năng đàm phán và soạn thảo hợp đồng, Kỹ năng tư vấn pháp luật về thuế, Kỹ năng tư vấn về đất đai, Kỹ năng nghề Luật… là một trong điểm đặc thù của chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế tại Khoa Luật - Viện Đại học Mở Hà Nội.

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Cơ quan nhà nước: Hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân từ trung ương đến địa phương; Tổng cục thi hành án dân sự, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Sở Tư pháp tại các tỉnh, thành phố; Phòng, ban pháp chế tại các cơ quan nhà nước,…
  • Doanh nghiệp: Luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng tại các văn phòng luật sư; công chứng viên tại văn phòng công chứng; chuyên viên pháp chế tại các doanh nghiệp; các công việc liên quan đến đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng…
  • Cơ sở đào tạo và nghiên cứu: Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo ngành Luật Kinh tế; các viện nghiên cứu, trung tâm cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý.

 

VII. NGÀNH LUẬT QUỐC TẾ

(Tên Tiếng Anh: International Law)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D380108
  2. Thời gian đào tạo:                        4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Cử nhân
  4. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo trang bị cho người học bên cạnh các kiến thức chung của khối ngành khoa học xã hội là nền tảng kiến thức cơ bản ngành đến kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành Luật Quốc tế với các môn học thiết thực và mang tính thời sự như: Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, Luật vận chuyển hàng hải và hàng không quốc tế, Pháp luật Cộng đồng ASEAN, Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế, Pháp luật về đấu thầu quốc tế, Kỹ năng đàm phán và thực thi Điều ước quốc tế… Đồng thời, Khoa Luật chú trọng đào tạo Tiếng Anh cơ bản và Tiếng Anh chuyên ngành nhằm tạo lợi thế cho sinh viên ngành Luật Quốc tế sau khi ra trường.

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Cơ quan nhà nước: Hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân từ trung ương đến địa phương; Tổng cục thi hành án dân sự, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp chế; Sở Tư pháp tại các tỉnh, thành phố; Phòng, ban pháp chế; các công việc về nghiên cứu, hoạch định chính sách về các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế và hợp tác quốc tế của các bộ ngành và các cơ quan nhà nước…
  • Doanh nghiệp: Luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng tại các văn phòng luật sư; công chứng viên tại văn phòng công chứng; chuyên viên pháp chế tại các doanh nghiệp; các công việc liên quan đến đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế…
  • Cơ sở đào tạo và nghiên cứu: Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo ngành Luật Quốc tế; các viện nghiên cứu, trung tâm cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý.

 

VIII. NGÀNH NGÔN NGỮ ANH

(Tên Tiếng Anh: English)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D220201
  2. Thời gian đào tạo:                        4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp:  Tốt nghiệp đại học
  4. Chương trình đào tạo

Ngoài khối kiến thức giáo dục đại cương với các học phần như Cơ sở văn hóa Việt Nam, Tiếng Việt thực hành, Dẫn luận ngôn ngữ học, Ngôn ngữ học đối chiếu, Lịch sử văn minh thế giới, Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam…, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh còn cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về ngành học, như khối kiến thức về ngôn ngữ: Ngữ âm thực hành, Ngữ âm lý thuyết, Ngữ nghĩa học, Ngữ pháp thực hành, Ngữ pháp lý thuyết…; khối kiến thức văn hóa - văn học: Giao thoa văn hóa, Lịch sử phát triển tiếng Anh, Văn học Anh - Mỹ, Đất nước học; khối kiến thức tiếng: Nghe, Nói, Đọc, Viết. Bên cạnh đó, khi học ngành Ngôn ngữ Anh, người học còn được lựa chọn các kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành Dịch hoặc Giảng dạy, như Thực hành biên - phiên dịch, Lý thuyết dịch, Phân tích diễn ngôn… (chuyên ngành dịch), hay Giáo học pháp đại cương, Phương pháp giảng dạy tiếng Anh,Tâm lý học lứa tuổi và sư phạm, Thực hành giảng dạy….(chuyên ngành giảng dạy). Ngoài ra, người học còn được bổ trợ kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp qua các học phần như: Tiếng Anh thương mại, Tốc kí, Giao tiếp liên nhân, Kĩ năng thuyết trình, …

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Các Tổng cục, Cục, Vụ: Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Cục xúc tiến thương mại, Cục đầu tư nước ngoài, Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân nhà nước, Vụ hợp tác quốc tế, Vụ chính sách đối ngoại, Vụ Các tổ chức quốc tế…
  • Vụ Hợp tác quốc tế, phòng hợp tác quốc tế, phòng đối ngoại thuộc các Bộ, Tổng cục…
  • Các phòng chức năng có hoạt động liên quan với người nước ngoài, các đối tác nước ngoài thuộc các Sở như: Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch...
  • Biên - phiên dịch tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…
  • Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường phổ thông, trung tâm ngoại ngữ…

 

IX. NGÀNH NGÔN NGỮ TRUNG QUỐC

(Tên Tiếng Anh: Chinese)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D220204
  2. Thời gian đào tạo:                        4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp:  Tốt nghiệp đại học 
  4. Chương trình đào tạo     

Đào tạo cử nhân ngành tiếng Trung Quốc có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp để làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Trung Quốc. Sinh viên được trang bị kiến thức tương đối rộng về ngôn ngữ Trung Quốc, văn hóa văn học, xã hội, kinh tế thương mại, du lịch Trung Quốc; Được rèn luyện và phát triển các kỹ năng giao tiếp tiếng Trung Quốc ở mức độ thành thạo trong các tình huống giao tiếp xã hội và chuyên môn thông thường. Đồng thời còn trang bị cho sinh viên kỹ năng học tập, kỹ năng nghề nghiệp hiệu quả qua các môn học như: Hán ngữ thương mại, Hán ngữ du lịch, Dịch tốc ký, Dịch chuyên ngành…nhằm bảo đảm cho sinh viên có đủ trình độ nghiệp vụ về công tác biên – phiên dịch, các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, kinh doanh, kinh tế và xã hội v.v…trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra trình độ Hán ngữ (HSK) cấp độ 5, và đạt trình độ B1 tiếng Anh khung tham chiếu Châu Âu - theo quy định của BGD&ĐT.

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Các Tổng cục, Cục, Bộ, Vụ: Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Hải Quan, Bộ Ngoại giao, Cục đầu tư, Cục lãnh sự, Vụ hợp tác quốc tế.
  • Các phòng chức năng có hoạt động liên quan với người nước ngoài, các đối tác nước ngoài thuộc các Sở như: Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, Sở Văn hóa…
  • Biên -  phiên dịch tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, các ngân hàng liên doanh quốc tế như Ngân hàng công thương Trung Quốc( ICBC), Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC)…

 

X. NGÀNH TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG

(Tên Tiếng Anh: Finance and Banking)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D340201
  2. Thời gian đào tạo:                        4 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Cử nhân
  4. Chương trình đào tạo

Theo học ngành Tài chính - Ngân hàng sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về  lý luận chính trị Mác - Lênin,  tư tưởng Hồ Chí Minh, Pháp luật đại cương, những kiến thức chung về toán: Toán giải tích, Đại số, Xác suất thống kê…những kiến thức cơ bản của ngành như: Nguyên lý thống kê kinh tế, Nguyên lý kế toán, Luật kinh tế, kinh tế lượng, Tài chính tiền tệ,  Ngoài ra sinh viên còn được nghiên cứu kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như:

Chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp: Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính doanh nghiệp, Kế toán quản trị, Kế toán doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro…

Chuyên ngành Ngân hàng thương mại: Kế toán ngân hàng, Marketting Ngân hàng, Tín dụng Ngân hàng, Ngân hàng thương mại, Thanh toán quốc tế, thị trường chứng khoán…

Ra trường, cử nhân các chuyên ngành sẽ có khả năng nghiên cứu, quản lý và hoạch định các chính sách chiến lược nhằm giải quyết những vấn đề chuyên môn có liên quan đến những lĩnh vực chuyên ngành…

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Các Tổng cục, Cục: Tổng cục Thuế, Tổng cục Dự trữ nhà nước; Cục Tài chính doanh nghiệp, cục Thuế, Cục Tin học và thống kê tài chính, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Cục Quản lý công sản….
  • Các Vụ: Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ tài chính, Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Vụ chế độ kế toán và kiểm toán, Vụ chính sách thuế, Vụ tài chính tiền tệ…
  • Các cơ quan kinh tế tiền tệ, các tổ chức tín dụng, các công ty cho thuê tài chính, bảo hiểm, mua bán nợ, kiểm toán trong nước và quốc tế như: hệ thống các ngân hàng, kho bạc nhà nước, các TT. Giao dịch chứng khoán từ trung ương đến địa phương, ủy ban Chứng khoán nhà nước, các công ty bảo hiểm nhân thọ…
  • Các phòng chức năng: Tài chính Doanh nghiệp, Tài chính hành chính sự nghiệp, Quản lý ngân sách…tại các Sở tài chính, Sở Giao dịch…ở các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước.
  • Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng.

 

XI. NGÀNH THIẾT KẾ CÔNG NGHIỆP

(Tên Tiếng Anh: Industrial Design)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D210402
  2. Thời gian đào tạo:                        5 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp:  Tốt nghiệp đại học
  4. Chương trình đào tạo

Với 3 chuyên ngành

- Thiết kế nội thất      (Interior Design)

- Thiết kế thời trang   (Fashion Design)

- Thiết kế đồ hoạ        (Graphic Design)   

Khối kiến thức cơ bản: Sinh viên ngành Thiết kế công nghiệp được học những kiến thức chung dành cho khối khoa học cơ bản; Lịch sử mỹ thuật Việt Nam-Thế giới, Mỹ học-Xã hội học nghệ thuật, Cơ sở văn hóa Việt Nam… cùng các kiến thức cơ bản về khối ngành như; Hình họa, Vẽ kỹ thuật, Giải phẫu, Luật xa gần, Cơ sở thẩm mỹ, Cơ sở Tạo hình chuyên ngành, Nhập môn Design & Phương pháp luận Design...

Khối kiến thức chuyên sâu: Đối với kiến thức chuyên sâu, tùy theo từng chuyên ngành sinh viên được trang bị các môn chuyên ngành cụ thể như:

  • Chuyên ngành Thiết kế Đồ họa: Phương pháp nghiên cứu & sáng tạo trong design, Sáng tác và thiết kế Logo, Nhận diện thương hiệu, Sáng tác bộ bao bì sản phẩm, Sáng tác trình bày Báo, Quảng cáo hàng hoá, Trình bầy và thiết kế tạp chí và sách, Trang trí sản phẩm…
  • Chuyên ngành Thiết kế Thời trang: Đồ hoạ thời trang, Vật liệu thời trang, Cơ sở sáng tác thời trang, Công nghệ kỹ thuật cắt may thời trang, Kỹ thuật thể hiện thời trang, Sáng tác trang phục: Công sở, Bảo hộ lao động, Xuân – Hè, Thu - Đông, Dạ hội, Ấn tượng…
  • Chuyên ngành Thiết kế Nội thất: Luật phối cảnh nội thất, Phương pháp thiết kế nội thất, Nghệ thuật cây xanh, Thiết kế đồ gia dụng, Thiết kế nội thất; Nhà ở, Cửa hàng, Câu lạc bộ, Khu vui chơi, Triển lãm, Bảo tàng, Nhà trẻ, Khách sạn, Văn phòng...

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Các Viện, Trung tâm: Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia, Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thi và nông thôn, Trung tâm Tư vấn thiết kế và xây dựng, Trung tâm Công nghệ xây dựng, Trung tâm Thi công nội ngoại thất…
  • Các tổng công ty tư vấn thiết kế trong lĩnh vực xây dựng nhà, quy hoạch đô thị, các công ty quảng cáo và mỹ thuật, tập đoàn Xi măng và công nghiệp vật liệu xây dựng,..Các công ty xây dựng và trang trí nội thất, công ty gạch men, công ty mỹ thuật trung ương…
  • Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo các ngành có tên trên.

 

XII. NGÀNH KIẾN TRÚC

(Tên Tiếng Anh: Architecture)

  1. Mã ngành tuyển sinh:      D580102
  2. Thời gian đào tạo:                        5 năm
  3. Văn bằng tốt nghiệp: Kiến trúc sư
  4. Chương trình đào tạo

Chương trình được thiết kế đảm bảo cho sinh viên có đầy đủ kiến thức cơ sở về công việc quy hoạch và thiết kế kiến trúc. Đặc biệt chương trình có sự phối hợp khoa học giũa môn học lý thuyết và thực hành nhằm tạo khả năng cho sinh viên học đến đâu thực hành đến đó và nắm vững kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Cấu trúc chương trình gồm:

-  Kiến thức giáo dục đại cương trang bị và củng cố cho sinh viên các kiến thức nền tảng về Chính trị tư tưởng, Pháp luật, Tiếng Anh và Tin học

-  Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp bao gồm kiến thức cơ sở ngành nhằm củng cố và phát triển năng khiếu thẩm mỹ và hình thành tư duy khoa học thiết kế như Vẽ mỹ thuật, Cơ sở tạo hình, Lý thuyết sáng tác, Cơ sở kiến trúc ...Kiến thức chuyên ngành xây dựng cho sinh viên kỹ năng tư duy tạo hình  thiết kế kiến trúc và quy hoạch theo các cấp độ từ đơn giản đến phức tạp.

Kết thúc khóa học sinh viên đáp ứng được các yêu cầu thực tế về công việc thiết kế, tư vấn thiết kế, quản lý dự án và nghiên cứu chuyên sâu về quy hoạch, kiến trúc.

Các vị trí công việc có thể đảm nhiệm

  • Kiến trúc sư trực tiếp thiết kế kiến trúc và quy hoạch trong các Trung tâm, Viện và các cơ sở thiết kế trực thuộc các ban ngành khác.
  •  Kiến trúc sư tư vấn về thiết kế và thi công kiến trúc, nội thất , ngoại thất tại các trung tâm tư vấn và sản xuất.
  • Quản lý dự án và giám sát thi công về quy hoạch và kiến trúc.
  • Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo các chuyên ngành thiết kế .

 

CÁC LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO KHÁC

I. ĐÀO TẠO TỪ XA

Bằng tốt nghiệp đại học hệ từ xa thuộc hệ thống văn bằng Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và có giá trị như các hình thức đào tạo khác (Chính quy, Vừa làm vừa học) và được phép học tiếp lên các chương trình cao hơn (Thạc sỹ, Tiến sỹ).

Đối tượng tuyển sinh:

  • Học sinh tốt nghiệp PTTH, BTTH hoặc tương đương trở lên.
  • Các thí sinh dự thi tuyển sinh Đại học năm 2014 không đủ điểm học Đại học chính quy.
  • Cán bộ, công chức, những người đang làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, lực lượng vũ trang (đã có bằng tốt nghiệp PTTH)..
  • Đang học hoặc đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, TCCN.

Hình thức tuyển sinh:  Xét tuyển theo hồ sơ (không thi tuyển)

      Phát hành hồ sơ miễn phí (có thể in mẫu trên Website www.hou.edu.vn).

Thời gian tuyển sinh: Liên tục trong năm.

Thời gian đào tạo tối thiểu: Từ 1,5 - 5 năm tuỳ theo đối tượng nhập học và văn bằng đã có.

Phương thức học tập (có 2 phương thức):

1.  Đào tạo từ xa theo phương thức truyền thống

  • Sinh viên tự học thông qua tài liệu, giáo trình, đĩa CD-ROM, nghe giảng viên hướng dẫn ôn tập, giải đáp thắc mắc trực tiếp trên lớp theo kế hoạch của nhà trường (được thông báo trước).
  • Sinh viên có thể đăng ký thời gian học:
    • Tuần học 4 buổi (học vào các ngày trong tuần) 
    • Học các ngày thứ 7 và chủ nhật (theo lịch từng đợt)

Địa điểm học tập:

      Học tại Viện Đại học Mở Hà Nội hoặc tại các cơ sở liên kết đào tạo của Viện là các trung tâm GDTX, các trường CĐ, ĐH tại các địa phương trên cả nước.

2.  Đào tạo từ xa theo phương thức trực tuyến (E.Learning):

  • Sinh viên sau khi đăng ký và làm thủ tục nhập học được cấp tài khoản học tập. Trong những buổi học đầu tiên, sinh viên được hướng dẫn cách đăng nhập và học tập trên công nghệ đào tạo            E-Learning.
  • Trong quá trình học tập sinh viên tham gia vào 4 hoạt động:
    1. Học lý thuyết: Sinh viên nghiên cứu tài liệu trên hệ thống (bài giảng video, audio, bài giảng điện tử) và sách/giáo trình in ấn.
    2. Trao đổi giải đáp thắc mắc: Sinh viên trao đổi các thắc mắc với giảng viên và thảo luận với nhau thông qua diễn đàn môn học hoặc tại các buổi học trực tuyến trên mạng (lớp học ảo Vclass)
    3. Làm bài tập: Mỗi môn học có các bài luyện tập trắc nghiệm sinh viên cần làm để luyện tập về môn học và tính điểm giữa kỳ.
    4. Kiểm tra, đánh giá: Kết thúc mỗi môn học có bài thi kết thúc học phần/môn học (đến lớp làm bài tập trung)  
  • Sinh viên chủ yếu học qua các học liệu đa phương tiện sử dụng đầu đĩa DVD, máy vi tính và mạng internet.
  • Đánh giá chuyên cần của sinh viên căn cứ theo thời lượng truy cập học trên mạng.

Địa điểm học tập: Tại các trạm đào tạo từ xa của Viện Đại học Mở Hà Nội ở Hà Nội và các địa phương.

 

II. ĐÀO TẠO VỪA LÀM VỪA HỌC (TẠI CHỨC CŨ)

Đối tư­ợng và điều kiện tuyển sinh:

Tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương;

Hình thức tuyển sinh: Thi tuyển 03 môn theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo:

Thời gian tuyển sinh:

  • Đợt 1: Tháng 4, tháng 5;
  • Đợt 2: Tháng 10, tháng 11;

Thời gian đào tạo: 4,5  năm (9 học kỳ);                                

Địa điểm học tập:

      Học tại Viện Đại học Mở Hà Nội hoặc tại các cơ sở liên kết đào tạo của Viện là các trung tâm GDTX, các trường CĐ, ĐH tại các địa phương trên cả nước.

 

III. ĐÀO TẠO BẰNG ĐẠI HỌC THỨ 2

1. Đào tạo bằng đại học thứ 2 hệ vừa làm vừa học

Đối tư­ợng và điều kiện tuyển sinh:

      Những người đã tốt nghiệp đại học.

Hình thức tuyển sinh:

      Thi tuyển 02 môn theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo

Thời gian đào tạo: 2,5 năm ( 05 học kỳ);

Địa điểm học tập:

            Học tại Viện Đại học Mở Hà Nội hoặc tại các cơ sở liên kết đào tạo của Viện tại các địa phương trên cả nước.

2. Đào tạo bằng đại học thứ 2 hệ Từ xa     

Đối tư­ợng và điều kiện tuyển sinh:

   Những người đã tốt nghiệp đại học.

Hình thức tuyển sinh:        

   Xét tuyển theo hồ sơ đăng ký (không thi tuyển)

Phương thức học tập: có thể chọn 1 trong 2 phương thức đào tạo truyền thống hoặc đào tạo trực tuyến E.learning

Thời gian đào tạo: 2,5 năm;

Địa điểm học tập:

         Học tại Viện Đại học Mở Hà Nội hoặc tại các cơ sở liên kết đào tạo của Viện tại các địa phương trên cả nước.

 

IV. ĐÀO TẠO SONG SONG HAI VĂN BẰNG

1. Đào tạo song song hai văn bằng hệ chính quy

    Đối tượng và điều kiện tuyển sinh, điều kiện tham gia theo học, tốt nghiệp:

  • Là sinh viên chính quy của Viện Đại Học Mở Hà Nội.
  • Điều kiện để học cùng lúc hai chương trình:
    • Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác với ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất;
    • Sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất và sinh viên có điểm trung bình chung của học kỳ từ 6,0 trở lên;
    • Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình nếu điểm trung bình chung học kỳ của một trong hai chương trình đạt dưới 5,0 thì phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo;
    • Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.

Địa điểm học tập: Tại Viện Đại học Mở Hà Nội

2. Đào tạo song song hai văn bằng hệ Từ xa

    Đối tượng và điều kiện tuyển sinh:

  • Là sinh viên của Viện Đại Học Mở Hà Nội hoặc các trường Đại học khác.
  • Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.
  • Tốt nghiệp chương trình đại học thứ hai, sinh viên được cấp bằng đại học hệ Từ xa.

Hình thức tuyển sinh:

Tuyển sinh liên tục trong năm.

Địa điểm học tập:

      Học tại Viện Đại học Mở Hà Nội hoặc tại các cơ sở liên kết đào tạo của Viện tại các địa phương trên cả nước.

 

V. ĐÀO TẠO HỢP TÁC QUỐC TẾ

1. Đào tạo đại học liên kết với Trung Quốc

Đối tượng và điều kiện tuyển sinh: đã có bằng tốt nghiệp  PTTH (hoặc tương đương trở lên)                                                     

Hình thức tuyển sinh:  Tuyển sinh liên tục trong năm

  • Phương thức đào tạo 2+2

Ngành đào tạo: Hán ngữ, Kinh tế - Tài chính

   Hình thức tuyển sinh:  Xét tuyển theo kỳ thi đại học Quốc gia, đạt từ điểm sàn trở lên

   Phư­ơng thức và thời gian đào tạo: 4 năm (2 năm tại Việt Nam, 2 năm tại Trung Quốc)

  • Phương thức đào tạo tiền du học

Đào tạo 8 chuyên ngành: Hán ngữ kinh tế thương mại, Hán ngữ đối ngoại, Hán ngữ truyền thông, Hán ngữ du lịch, Tài chính, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Quản trị du lịch.

         Phư­ơng thức và thời gian đào tạo: 4 năm (đào tạo hán ngữ tại Việt Nam, đào tạo  chuyên ngành tại Trung Quốc) 

Địa điểm học tập: Tại Viện Đaị học Mở Hà Nội và trường ĐH Trùng Khánh Trung Quốc.

2. Đào tạo Cao đẳng liên kết với Australia

Ngành đào tạo: Kế toán, Quản trị, Công nghệ hệ thống máy tính, Công nghệ thông tin (an ninh mạng)

Đối tượng và điều kiện tuyển sinh: đã có bằng tốt nghiệp  PTTH (hoặc tương đương trở lên)                                                     

Hình thức tuyển sinh:  Xét tuyển theo kỳ thi đại học Quốc gia.

   Phư­ơng thức và thời gian đào tạo: 2 năm (4 học kỳ)

  Địa điểm học tập: Tại Viện Đại học Mở Hà Nội.

 

VI. ĐÀO TẠO CAO HỌC (Thạc sỹ)

Các ngành đào tạo trình độ Thạc sỹ:

         Kỹ thuật Điện tử, Quản trị kinh, Ngôn ngữ, Luật Kinh tế, Công nghệ Sinh, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Viễn thông.

Đối tư­ợng và điều kiện tuyển sinh:

         Những người đã tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc phù hợp với ngành, chuyên ngành dự thi (Bằng tốt nghiệp đại học không phân biệt hình thức đào tạo).

Phư­ơng thức và thời gian đào tạo: 18 - 24 tháng (tập trung)

Địa điểm học tập: Tại Viện Đaị học Mở Hà Nội

 

VII. CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGẮN HẠN CẤP CHỨNG CHỈ

Chứng chỉ đào tạo:

  • Khoa Kinh tế: Giám đốc doanh nghiệp, Kỹ năng mềm quản lý, chủ tài khoản, Kế toán trưởng, Kế toán thực hành, Thuế và thực hành khai báo thuế, kế toán dành cho các nhà quản lý doanh nghiệp, Đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính, Bồi dưỡng kỹ năng cho chủ tài khoản

Điện thoại liên hệ: 04.38691960

  • Khoa Du lịch: Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Thẩm định và cấp chứng chỉ nghiệp vụ Hướng dẫn Du lịch, Kỹ năng cho giám đốc khách sạn

Điện thoại liên hệ: 04.38692077

  • Khoa công nghệ sinh học: Kỹ thuật gen 1 (Basic Gene cloning), Kỹ thuật gen 2 (Gene cloning), Công nghệ enzyme tái tổ hợp (recombinamt protein technique), Tin sinh học (Bioiformatics), Kỹ thuật lên men hiện đại và hoàn thiện sản phẩm  (Fermentation and downstream processing), Chuẩn đoán huyết học, Kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật, Công nghệ trồng nấm ăn và nấm dược liệu, kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào động vật nâng cao.

Điện thoại liên hệ: 04.38693936

  • Khoa công nghệ thông tin: Kỹ thuật viên tin học, Phát triển ứng dụng Web, Phát triển ứng dụng trên điện thoại di động, quản trị hệ thống mạng máy tính, Thiết kế đồ hoạ trên máy tính.

Điện thoại liên hệ: 04.38694824

  • Khoa Công nghệ Điện tử - Thông tin: Đo kiểm sóng di động - vận hành khai thác mạng viễn thông, Kỹ năng dựng hình và xử lý ảnh, thiết kế mạch điện tử ứng dụng.

Điện thoại liên hệ: 04.38681362 – 04.35540248

  • Trung tâm tư vấn pháp luật: Bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật, Bồi dưỡng kỹ năng soạn thảo và xử lý văn bản hành chính, Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, Kỹ năng đàm phán và ký kết hợp đồng.

Điện thoại liên hệ: 04.38684859

  • Trung tâm hợp tác đào tạo: Dinh dưỡng học đường bậc mầm non, Làm người thầy hiệu quả

Điện thoại liên hệ: 04.38691960

Thời gian đào tạo:  từ 3-6 tháng (theo từng tín chỉ)

Hình thức tuyển sinh:

  • Tuyển sinh liên tục trong năm.
  • Đăng ký tại các Khoa, Trung tâm hoặc các cơ sở liên kết lại các địa phương.

Địa chỉ tư vấn,  phát hành và nhận hồ sơ:

Trung tâm Phát triển Đào tạo (P1.1) - Viện Đại học Mở Hà Nội

Điện thoại: 04.38682982- 04.38681855;   email: tptdt@hou.edu.vn

Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ Sinh viên – Viện ĐH Mở Hà Nội

Điện thoại: 04.36231693;

Hotline 04.629.745.45 và 04.629.746.46

email: hotrosinhvien.hou@gmail.com

Địa chỉ: 46 Phố Nguyễn Hiền, Phường Bách Khoa, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Website của Viện Đại học Mở Hà Nội: www.hou.edu.vn

 

Lượt xem: 51912