Trường Đại Học Mở Hà Nội

Chào mừng bạn đến với Khoa Du lịch - Viện Đại học Mở Hà Nội

Ngày đăng 17/04/2017

Clip giới thiệu "Nét đẹp sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội" thể hiện khả năng sử dụng Tiếng Anh và Tin học

do sinh viên Khoa Du lịch thực hiện

 

GIỚI THIỆU VỀ KHOA DU LỊCH CỦA VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI (2017)

Năm 2016 Du lịch Việt Nam đã đạt mức tăng kỷ lục cả về tốc độ và số tăng tuyệt đối cho một năm, đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; đón 62 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015. Dự kiến mức tăng trưởng này còn tiếp tục trong nhiều năm tới. Hơn bao giờ hết, ngành Du lịch đang thực sự “khát” nhân lực có tay nghề. Cơ hội việc làm trong ngành Du lịch vốn đã rộng mở nay còn hứa hẹn nhiều hơn từ các vị trí công việc ở cấp cơ bản như nhân viên Lễ tân, phục vụ Nhà hàng, Pha chế đồ uống (Bartender), nhân viên Buồng, Marketing, Chăm sóc khách hàng, Hướng dẫn viên Du lịch, Thuyết minh viên Du lịch tại điểm, Điều hành du lịch… tới các vị trí quản lý cấp trung như Giám sát viên các bộ phận trong khách sạn, các công ty lữ hành; Trưởng các bộ phận tới Giám đốc điều hành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công ty lữ hành. Các công ty tổ chức sự kiện, các hãng hàng không cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt việc có nhiều hãng hàng không quốc tế vận hành các chuyến bay từ hoặc tới Việt Nam cũng mở ra các cơ hội cho các tiếp viên hàng không là người Việt Nam để có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho hành khách Việt Nam trên các chuyến bay này.

“Cơn khát” nhân lực có tay nghề kéo theo “cơn khát” về lực lượng giáo viên, giảng viên có trình độ và kinh nghiệm làm nghề cho các cơ sở đào tạo về Du lịch từ trung cấp, cao đẳng tới đại học và sau đại học.

Có thể nói chưa bao giờ cơ hội việc làm trong ngành Du lịch lại mở rộng và đa dạng đến vậy. Ngành Du lịch đang rất cần nhân lực có trình độ từ nhân viên tới quản lý và cả đội ngũ giáo viên, giảng viên.

Vậy cần làm gì để đón nhận cơ hội này?, có cần đầu tư tài chính nhiều không?  và mất bao lâu để làm được? Đây là các câu hỏi cơ bản mà các bạn trẻ và các bậc phụ huynh rất quan tâm.

Nếu đi theo cách nghĩ truyền thống: “tốt nghiệp – ra trường – tìm việc làm” thì con đường đi tới cơ hội quả là gian nan với ít nhất 4 năm đầu tư ăn học. Tuy nhiên với ngành Du lịch các bạn trẻ có thể lập kế hoạch cho bản thân với một con đường ngắn hơn và dễ cân đối hơn về mặt tài chính.

Chiến lược được nhiều bạn trẻ lựa chọn là năm thứ nhất ổn định và làm quen với phương pháp học, rèn luyện tiếng Anh, tích lũy một số kỹ năng cần thiết. Bắt đầu từ hè năm thứ nhất và trong suốt những năm còn lại vừa làm thêm trong ngành Du lịch vừa học để vừa có kinh nghiệm, mối quan hệ vừa có thêm nguồn tài chính cho bản thân, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Với mối quan hệ tích lũy trong quá trình làm thêm việc làm lúc này chỉ là một chỗ chờ sẵn để đón nhận. Với các bạn đó khái niệm “tìm việc” không tồn tại mà phải nhường chỗ cho khái niệm “chọn việc”. Đây là ước mơ của nhiều sinh viên ra trường trong bối cảnh hàng chục nghìn cử nhân bị thất nghiệp mỗi năm.

Viễn cảnh đẹp nhưng thực thi chiến lược là điều khó khăn bởi ngay trong năm thứ nhất các bạn sẽ phải tích lũy kỹ năng và kiến thức để có thể làm thêm trong khi thường các chương trình đào tạo thiết kế năm học này là năm cho các môn Đại cương chưa gắn trực tiếp với nghề. Khó khăn kế tiếp là tìm được chỗ làm thêm phù hợp với lịch học bởi các cơ sở phục vụ không vận hành theo giờ hành chính mà theo nhu cầu của khách nên rất khó ghép nối giữa giờ doanh nghiệp cần người vời giờ trống không phải học tại trường. Không phải sinh viên nào cũng có đủ năng lực xử lý được vấn đề này.

Nhận thức được các khó khăn của sinh viên, nhu cầu của ngành, Viện Đại học Mở Hà Nội, một cơ sở đào tạo công lập ra đời năm 1993, đã có những tiếp cận hết sức khoa học và sáng tạo để kết nối được ngành với các em sinh viên, nguồn nhân lưc tương lai cho ngành.

Viện đã thành lập ngành Du lịch ngay trong những ngày đầu thành lập của mình với 2 hướng đào tạo chuyên biệt cho 2 lĩnh vực chính trong ngành Du lịch là Khách sạn và Lữ hành với định hướng cụ thể: Quản trị kinh doanh Du lịch – Khách sạn và Quản trị lữ hành, Hướng dẫn Du lịch.

Chương trình đào tạo, giáo trình, hoạt động đào tạo được sự tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từ tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới của Canada (WUSC), Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và các doan nghiệp trong ngành Du lịch ngay từ những ngày đầu. Đặc biệt từ ngày thành lập năm 1993 ngành Du lịch với  sự hỗ trợ của tổ chức WUSC luôn duy trì được sự hiện diện của các chuyên gia, giảng viên Du lịch người Canada hỗ trợ khoa trong công tác biên soạn giáo trình, giảng dạy trực tiếp cho sinh viên bằng tiếng Anh.

Để đem lại kiến thức thực tế cho sinh viên đội  ngũ giảng viên của ngành Du lịch luôn gắn với ngành qua việc làm việc thực tế tại doanh nghiệp, đào tạo cho doanh nghiệp và cho ngành theo các chương trình của dự án EU-ESRT do Tổng cục Du lịch và Liên minh châu Âu tiến hành. Các giảng viên chuyên ngành của ngành Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội đều có thể giảng dạy các môn chuyên ngành cho sinh viên trực tiếp bằng tiếng Anh. Những môn chuyên ngành về các mảng chính của ngành như Lễ tân, Nhà hàng, Buồng, Hướng dẫn… từ cấp độ nghề tới quản lý đều được dạy bằng tiếng Anh ở các cấp độ từ thấp tới cao.

Nhận thức được yêu cầu khắt khe của ngành về ý thức, thái độ phục vụ của nhân viên, ngành Du lịch của Viện Đại học Mở Hà Nội đã lựa chọn và duy trì phương châm “Dạy thật – Học thật – Kỷ cương nề nếp nghiêm” và điều này đã trở thành thương hiệu của ngành và sự tin tưởng của các doanh nghiệp với ngành.

Để giúp sinh viên tiếp cận được với doanh nghiệp và cung cấp nhân lực vào các thời điểm cần nhân lực, chương trình học của ngành được thiết kế theo hướng học, thực tập tại doanh nghiệp, học, thực tập và tốt nghiệp như mô hình của các trường đào tạo du lịch ở các nước Du lịch phát triển như Thụy sỹ.

Nhà trường cũng đã xây dựng quan hệ và ký các thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp khách sạn và lữ hành lớn trên địa bàn Hà Nội như Intercontinental, Melia, Sheraton, Sofitel, Vietnam Tourism… trong việc phối hợp cung cấp nhân lực, hoạt động thực tập, kiến tập tại cơ sở. Lịch học của các lớp, các nhóm sinh viên cũng được thiết kế để phù hợp với chủ chương vừa học vừa làm mà ngành theo đuổi.

Đặc biệt sự linh hoạt của phương thức đào tạo theo Tín chỉ mà ngành đang áp dụng có thể cho phép những sinh viên có năng lực và biết quản lý thời gian tốt có thể hoàn thành chương trình đào tạo 4 năm trong 3 năm học hoặc thậm chí nhanh hơn.

Với cam kết tạo bệ phóng cho tương lai của người học và là đối tác tin cậy với ngành Du lịch, Viện Đại học Mỡ đã, đang và sẽ luôn tạo mọi cơ chế và các hỗ trợ cân thiết để Ngành Du lịch của trường luôn có được chất lượng đào tạo tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện của từng sinh viên, học viên.

Lượt xem: 3482