Trường Đại Học Mở Hà Nội

Chào mừng bạn đến với Khoa Luật - Viện Đại học Mở Hà Nội

Ngày đăng 17/04/2017

Clip giới thiệu "Nét đẹp sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội" thể hiện khả năng sử dụng Tiếng Anh và Tin học

do sinh viên Khoa Luật thực hiện

 

GIỚI THIỆU KHOA LUẬT - VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

1. Cơ hội nghề nghiệp

Học ngành luật, cụ thể là học ngành luật tại Khoa Luật - Viện Đại học Mở Hà Nội khi ra trường sẽ làm được những công việc gì?

Đây là một câu hỏi của rất nhiều bạn trẻ đang băn khoăn khi lựa chọn một ngành học trước ngưỡng cửa bước vào đại học. Đặc biệt, trong bối cảnh khi mà nhiều sinh viên ra trường không có việc làm thì tương lai, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là điều rất đáng quan tâm khi lựa chọn ngành học.

Từ trước đến nay, rất nhiều người đã có quan niệm sai lầm, khi cho rằng, học luật là phải công tác tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc làm Luật sư. Thực tế, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp Ngành Luật là rất lớn. Sinh viên học Ngành Luật sau khi ra trường không chỉ công tác tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc làm Luật sư mà có thể công tác tại nhiều cơ quan khác nhau. Có thể khái quát cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp Ngành Luật như sau:

- Nếu các sinh viên yêu thích các công việc liên quan đến quyền lực Nhà nước thì có thể chọn công tác tại các Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan Công an.

- Nếu các sinh viên thích làm Chính khách thì hoàn toàn có thể phấn đấu để trở thành các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Nếu các sinh viên yêu thích các công việc hành chính, văn phòng thì có thể công tác trong các bộ phận pháp chế của Chính phủ, của Ủy ban nhân dân các cấp, các bộ phận pháp chế của các Bộ, ngành, các cơ quan nhà nước, các phòng Công chứng, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp, như các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

- Nếu các sinh viên mong muốn bảo vệ công lý cho các thân chủ, sau khi tốt nghiệp và học thêm khóa nghiệp vụ, sinh viên hoàn toàn có thể trở thành các Luật sư nổi tiếng chuyên bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho các thân chủ của mình trong các vụ án Dân sự, Hình sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại…

- Nếu các sinh viên năng động và yêu thích lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm cố vấn pháp luật cho các doanh nghiệp, hoạt động trong các văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại; sinh viên cũng có thể tự thành lập các Văn phòng Luật sư, Công ty Luật, Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại… hoặc cũng có thể hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân.

- Các sinh viên tốt nghiệp ngành luật cũng có thể đảm nhận các công việc liên quan đến công tác pháp chế tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; làm việc cho các Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, các Công ty luật uy tín của nước ngoài; tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam…

Có thể thấy, cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên Ngành Luật là rất lớn. Phạm vi cơ hội việc làm không chỉ bó hẹp trong những vị trí công việc kể trên mà tùy thuộc vào năng lực và quyết tâm cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai của mỗi sinh viên để lựa chọn những công việc phù hợp. Mặt khác, nhu cầu của nền kinh tế - xã hội đối với nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về pháp luật hiện nay cũng rất lớn, nhất là các sinh viên vừa có kiến thức pháp luật, vừa giỏi ngoại ngữ, tin học. Vì vậy, hãy vững tin để đăng kí vào học các chuyên ngành của Khoa Luật, Viện Đại học Mở Hà Nội.

2. Các chuyên ngành đào tạo

Đăng kí vào học tại Khoa Luật, Viện Đại học Mở Hà Nội, sinh viên có thể lựa chọn những chuyên ngành mà mình ưa thích. Hiện tại Khoa Luật có ba chuyên ngành: chuyên ngành Luật học, chuyên ngành Luật Kinh tế và chuyên ngành Luật Quốc tế.

Quang cảnh một buổi diễn án của sinh viên Khoa Luật - Viện Đại học Mở Hà Nội

* Chuyên ngành Luật học

Chuyên ngành Luật học với mục tiêu đào tạo những cử nhân luật có các kiến thức tổng quát, toàn diện về các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam và những kiến thức cơ bản về pháp luật quốc tế. Chương trình đào tạo Ngành Luật học cũng chú trọng trang bị cho sinh viên nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề luật, như kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính; kỹ năng tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, tài chính, đất đai, thuế…; trang bị các kỹ năng đàm phán, soạn thảo và kí kết hợp đồng dân sự, kinh tế; kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại, kỹ năng bào chữa, bảo vệ cho thân chủ…

* Chuyên ngành Luật Kinh tế

Chuyên ngành Luật Kinh tế với mục tiêu đào tạo các cử nhân luật ngoài những kiến thức pháp luật nền tảng, còn chuyên sâu các kiến thức pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lí thuế, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Ngân sách Nhà nước…Chương trình đào tạo Ngành Luật Kinh tế cũng chú trọng cung cấp cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng hành nghề luật, như kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính; kỹ năng tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, nhất là lĩnh vực kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, tài chính, đất đai, thuế…; kỹ năng đàm phán, soạn thảo và kí kết hợp đồng dân sự, kinh tế; kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại…

* Chuyên ngành Luật Quốc tế

Chuyên ngành Luật Quốc tế với mục tiêu đào tạo các cử nhân luật ngoài các kiến thức pháp luật nền tảng còn có các kiến thức chuyên sâu về Công pháp quốc tế, Tư pháp Quốc tế, Luật Thương mại Quốc tế, Luật Vận chuyển Hàng hải và Hàng không Quốc tế, Pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ, Hợp đồng thương mại quốc tế, Pháp luật về đấu thầu quốc tế, Trọng tài quốc tế... Chương trình đào tạo Ngành Luật Quốc tế cũng chú trọng cung cấp cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng hành nghề luật nói chung cũng như hành nghề luật quốc tế, như kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính; kỹ năng tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, tài chính, đất đai, thuế…; kỹ năng đàm phán, soạn thảo và kí kết hợp đồng dân sự, kinh tế; kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại, đặc biệt là kỹ năng đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, kỹ năng giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế, kỹ năng giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, kỹ năng tư vấn đầu tư nước ngoài…

* Các chương trình đào tạo của các chuyên ngành cũng đặc biệt chú trọng tăng cường trình độ ngoại ngữ và tin học cho sinh viên nhằm giúp sinh viên sau khi ra trường có trình độ ngoại ngữ, tin học thông thạo làm công cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.

3. Môi trường học tập

Học tập tại Khoa Luật, Viện Đại học Mở Hà Nội, sinh viên được đội ngũ hơn 300 thầy, cô giáo là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đầu ngành đến từ các cơ quan của Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Bộ tư pháp, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các Viện nghiên cứu, các trường đại học trên cả nước tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập, hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Đây là những nhà khoa học hàng đầu không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bề dày kinh nghiệm hành pháp mà còn là những người rất tâm huyết, nhiệt huyết với sự nghiệp “Trồng người”. Các Thầy, Cô luôn tận tụy, hết lòng, hết sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, hết lòng vì người học, vì chất lượng đào tạo.

Học tập tại Khoa Luật Viện Đại học Mở Hà Nội, sinh viên được thực tập nghề nghiệp tại các cơ quan, doanh nghiệp hành nghề luật, như Hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các Công ty Luật, Văn phòng tư vấn pháp luật, Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại…Sinh viên cũng có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp với các chuyên gia là các Đại biểu Quốc hội, các Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát, các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Thừa phát lại, Luật sư…Khoa Luật Viện Đại học Mở Hà Nội cũng có Trung tâm Tư vấn pháp luật để các bạn sinh viên thực tập nghề nghiệp.

Học tập tại Khoa Luật Viện Đại học Mở Hà Nội, sinh viên được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự chiếm lĩnh tri thức, cũng như năng lực phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học được tổ chức hàng năm là cơ hội để sinh viên chứng tỏ khả năng học tập và nghiên cứu khoa học của mình.

Sinh viên học tập tại Khoa Luật, Viện Đại học Mở Hà Nội cũng được hưởng các chính sách học bổng, chính sách hỗ trợ sinh viên và các chính sách khuyến khích học tập khác theo quy định đối với một trường Đại học Công lập trong hệ thống giáo dục đại học của nước ta.

Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ được tư vấn để đăng kí các học bổng sau đại học ở nước ngoài. Đây là cơ hội tuyệt vời để mở rộng tầm hiểu biết, trau dồi thêm tri thức, kinh nghiệm, để có thể có công việc tốt hơn.

Để có thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ với Khoa Luật, Viện Đại học Mở của chúng tôi.

Địa chỉ: Phòng A2.6 Nhà B101 Phố Nguyễn Hiền, Phường Bách Khoa, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: 043.8693573; 043.6230434

Fax: 043.8693573

E-mail: khoaluat@hou.edu.vn

Website: http://khoaluat.hou.edu.vn/

Lượt xem: 3690