Trường Đại Học Mở Hà Nội

Hướng dẫn thi năng khiếu 2016

Ngày đăng 12/07/2016

- Thí sinh có thể tải Hướng dẫn thi năng khiếu 2016 (tại đây)

Thí sinh có thể tải Phiếu đăng ký dự thi môn năng khiếu vẽ kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2016 tại đây) (Tải hướng dẫn khai hồ sơ ĐKDT tại đây)

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                                   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI                                                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HƯỚNG DẪN THI MÔN NĂNG KHIẾU VẼ

(Dùng cho thí sinh dự thi nguyện vọng 1 vào Khoa Tạo dáng công nghiệp và Khoa Kiến trúc

trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2016)

 

PHẦN 1. MÔ TẢ VỀ KỲ THI TUYỂN SINH NĂM 2016

Năm 2016 là năm thứ hai Bộ GD&ĐT triển khai kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Để có thể xét tuyển vào một trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải tham dự kỳ thi THPT Quốc gia để được xét tốt nghiệp THPT và lấy điểm xét tuyển vào đại học. Đối với các Đại học có đào tạo ngành năng khiếu, Bộ GD&ĐT giao cho các trường tự tổ chức thi môn năng khiếu.

Năm 2016, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức xét tuyển vào 2 Khoa Kiến trúc và Tạo dáng công nghiệp theo hình thức xét tuyển các môn văn hóa ở kỳ thi THPT Quốc gia tại các Cụm thi do trường đại học chủ trì, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu vẽ, không tổ chức sơ tuyển. Cụ thể như sau:

Ngành học

Mã ngành

Tổ hợp môn thi (Khối thi)

Mã tổ hợp môn thi

Chỉ tiêu dự kiến

Kiến trúc

D580102

Toán, Vật lý, VẼ MỸ THUẬT;

Toán, Ngữ văn, HÌNH HỌA

V0

V2

150

Thiết kế công nghiệp (gồm 3 chuyên ngành Thiết kế nội thất; Thiết kế thời trang; Thiết kế đồ họa)

 

D210402

Ngữ văn, HÌNH HỌA, BỐ CỤC MÀU;

Ngữ văn, Tiếng Anh, HÌNH HỌA;

Toán, Ngữ văn,  HÌNH HỌA

H0

H2

H3

 

180

(Các môn thi viết chữ hoa và in đậm là môn năng khiếu sẽ tính hệ số 2)

Như vậy, thí sinh muốn xét tuyển vào Khoa Kiến trúc và Khoa Tạo dáng công nghiệp của Viện Đại học Mở Hà Nội, thí sinh phải thực hiện 5 bước sau:

Bước 1 : Nộp hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia tại Cụm thi do các trường Đại học chủ trì

Thí sinh cần nộp hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia (hạn cuối cùng nộp hồ sơ: 30/04/2016 tại các đơn vị ĐKDT theo quy định của Bộ GD&ĐT) để xét tốt nghiệp THPT và lấy điểm môn văn hóa để xét tuyển vào đại học. Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT cũng phải đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia tại Cụm thi do các trường Đại học chủ trì để lấy điểm các môn văn hóa nhưng chỉ cần đăng ký thi những môn cần thiết. Cụ thể, ngoài việc dùng kết quả các môn văn hóa để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt buộc phải dự thi THPT Quốc gia các môn sau:

- Ngành Kiến trúc : (Toán + Vật lý) hoặc (Toán + Ngữ văn)

- Ngành Thiết kế công nghiệp : (Ngữ văn) hoặc (Ngữ văn + Tiếng Anh) hoặc ( Toán + Ngữ văn)

và môn năng khiếu do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức.

Thí sinh có thể lựa chọn một tổ hợp môn thi phù hợp với khả năng của mình để đăng ký dự thi. Ví dụ:

- Thí sinh A có nguyện vọng học ngành Kiến trúc, thí sinh A có thể chọn 1 trong 2 tổ hợp môn thi sau:

+ Tổ hợp môn thi V0 (Toán, Vật lý, Vẽ mỹ thuật): Thí sinh A sẽ phải thi 2 môn (Toán + Vật lý) ở kỳ thi THPT Quốc gia và dự thi môn năng khiếu Vẽ mỹ thuật ở kỳ thi năng khiếu do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 08/07/2016.

+ Tổ hợp môn thi V2 (Toán, Ngữ văn, Hình họa): Thí sinh A sẽ phải thi 2 môn (Toán + Ngữ văn) ở kỳ thi THPT Quốc gia và dự thi môn năng khiếu Hình họa ở kỳ thi năng khiếu do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 08/07/2016.

- Thí sinh B có nguyện vọng học ngành Thiết kế công nghiệp, thí sinh B có thể chọn 1 trong 3 tổ hợp môn thi sau:

+ Tổ hợp môn thi H0 (Ngữ văn, Hình họa, Bố cục màu): Thí sinh B phải thi môn (Ngữ văn) ở kỳ thi THPT Quốc gia và dự thi 02 môn năng khiếu Hình họa và Bố cục màu ở kỳ thi năng khiếu do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 08/07/2016.

+ Tổ hợp môn thi H2 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Hình họa): Thí sinh B phải thi môn (Ngữ văn + Tiếng Anh) ở kỳ thi THPT Quốc gia và dự thi môn năng khiếu Hình họa ở kỳ thi năng khiếu do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 08/07/2016.

+ Tổ hợp môn thi H3 (Toán, Ngữ văn, Hình họa): Thí sinh B phải thi môn (Toán + Ngữ văn) ở kỳ thi THPT Quốc gia và dự thi môn năng khiếu Hình họa ở kỳ thi năng khiếu do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 08/07/2016.

Bước 2 : Nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năng khiếu

Thí sinh cần nộp hồ sơ đăng ký dự thi năng khiếu tại Viện Đại học Mở Hà Nội.

Hồ sơ ĐKDT gồm có:

1/ 01 Phiếu đăng ký dự thi (Mẫu Phiếu ĐKDT thí sinh có thể tải về từ website của Viện Đại học Mở Hà Nội: www.tuyensinh.hou.edu.vn hoặc có thể nhận trực tiếp tại Phòng Đào tạo Viện Đại học Mở Hà Nội. Thí sinh cần xem kỹ hướng dẫn khai Phiếu ĐKDT tại website của Viện Đại học Mở Hà Nội)

2/ 01 phong bì dán sẵn tem, ghi sẵn địa chỉ người nhận.

3/ 03 ảnh 4x6 đã ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh đằng sau ảnh.

4/ Lệ phí tuyển sinh.

Thí sinh phải nộp hồ sơ ĐKDT trước ngày 31/05/2016.

Thí sinh có thể đến nộp hồ sơ ĐKDT và lệ phí tuyển sinh trực tiếp tại Phòng Đào tạo Viện Đại học Mở Hà Nội, hoặc có thể gửi hồ sơ ĐKDT và lệ phí tuyển sinh qua đường bưu điện phát chuyển nhanh theo địa chỉ :

Phòng Đào tạo – Viện Đại học Mở Hà Nội

Phố Nguyễn Hiền, Phường Bách Khoa, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Lệ phí tuyển sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 40/2016/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 27/03/2016 của liên Bộ Tài chính – Giáo dục & Đào tạo, mức lệ phí tuyển sinh là 300.000 đ/hồ sơ.

Lưu ý: + Mỗi tổ hợp môn thi ứng với một hồ sơ và ứng với một số báo danh dự thi. Nếu thí sinh muốn đăng ký nhiều tổ hợp môn thi thì phải nộp nhiều hồ sơ và phải quyết định lựa chọn duy nhất 1 tổ hợp môn thi (tức là chọn 1 số báo danh) vào ngày dự thi.

+ Thí sinh cho 03 ảnh vào phong bì tem rồi bấm ghim kèm với Phiếu ĐKDT.

+ Trước khi nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh phải photo lại Phiếu ĐKDT.

Bước 3 : Tham dự kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức ngày 1,2,3,4/7/2016 tại các Cụm thi theo quy định.

Bước 4 : Tham dự kỳ thi năng khiếu

Kỳ thi năng khiếu do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức vào ngày 08/07/2016 tại trường ở Hà Nội (mọi thí sinh đều phải về Hà Nội dự thi).

Lịch tổ chức thi như sau :

Ngày

Thời gian

Nội dung

07/07/2016

Từ 9h

Tập trung thí sinh tại địa điểm thi để làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế thi, chỉnh sửa sai sót trong hồ sơ ĐKDT

08/07/2016

Từ 6h

Thi môn Hình họa (Cả 2 ngành Kiến trúc và Thiết kế công nghiệp)

08/07/2016

Từ 13h

Thi môn Vẽ mỹ thuật (ngành Kiến trúc); Bố cục màu (ngành Thiết kế công nghiệp)

Thời gian thi mỗi môn là 240 phút.

+ Thí sinh tự chuẩn bị:

- Môn Hình họa, Vẽ mỹ thuật: Bảng vẽ kích thước phù hợp với khổ giấy, bút chì đen, que đo, tẩy, băng dính, kẹp giấy, thước kẻ …

- Môn Bố cục màu: Bảng vẽ kích thước phù hợp với khổ giấy A2 (420mm x 594mm), Màu vẽ (màu bột), keo PVA hoặc keo da trâu, ca đựng nước rửa bút, giẻ lau, bảng và bay nghiền màu, bút chì, tẩy, compa, thước kẻ, băng keo hoặc ghim giấy, bút lông các cỡ...

+ Nhà trường phát giấy thi, giấy nháp.

Bước 5 : Nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT)

Sau khi có kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh sẽ được Cụm thi cấp cho 01 Giấy chứng nhận kết quả thi (Trên Giấy chứng nhận kết quả thi có 01 mã số ở phần “Mã đăng ký xét tuyển” - thí sinh dùng mã số này để ĐKXT). Tại thời điểm đó nhà trường cũng sẽ công bố kết quả thi năng khiếu tại www.tuyensinh.hou.edu.vn. Khi đã biết kết quả thi của mình, thí sinh cần nộp hồ sơ ĐKXT về Viện Đại học Mở Hà Nội theo hình thức trực tuyến hoặc qua đường bưu điện phát chuyển nhanh (Địa chỉ nhận hồ sơ tương tự như ở Bước 2 – Nộp hồ sơ ĐKDT) hoặc có thể nộp trực tiếp tại trường.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm có:

1/ Phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (thí sinh có thể tải về tại tuyensinh.hou.edu.vn)

2/ Lệ phí xét tuyển 30.000 đ/hồ sơ

Để thuận tiện trong việc nộp Hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể làm như sau:

1/ Nộp Phiếu ĐKXT bằng 1 trong 3 cách sau:

- Cách 1: Đăng ký trực tuyến (online trên website tuyensinh.hou.edu.vn)

- Cách 2: Nộp qua đường bưu điện phát chuyển nhanh

- Cách 3: Nộp trực tiếp tại Viện Đại học Mở Hà Nội

2/ Lệ phí xét tuyển:

Thí sinh có thể nộp lệ phí xét tuyển bằng 1 trong 3 cách sau:

- Cách 1: Chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng với nội dung như sau:

+ Người nhận tiền:      Viện Đại học Mở Hà Nội

+ Tài khoản số: 0301000456456

+ Tại ngân hàng: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank), chi nhánh Hoàn Kiếm

+ Họ và tên người nộp tiền: …(ghi họ tên của thí sinh)…

+ Số tiền nộp: 35.000 đ (ba mươi nhăm ngàn đồng)

+ Nội dung nộp: Lệ phí xét tuyển 2016 của thí sinh …(ghi họ tên của thí sinh)…, SBD: …(ghi số báo danh của thí sinh)…

- Cách 2: Nộp qua đường bưu điện

- Cách 3: Nộp trực tiếp tại Viện Đại học Mở Hà Nội

Thời gian nhận hồ sơ ĐKXT theo quy định của Bộ GD&ĐT (Từ 01/08/2016 đến 17h00 ngày 12/08/2016).

Khi hết hạn nhận hồ sơ ĐKXT, nhà trường sẽ tổ chức xét tuyển căn cứ vào hồ sơ ĐKDT. Căn cứ vào tổng điểm 3 môn thi của thí sinh (gồm cả điểm ưu tiên (nếu có) và nhân hệ số 2 môn năng khiếu), xếp tổng điểm thi từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu để định ra điểm chuẩn và Danh sách thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngày 15/08/2016 tại địa chỉ www.tuyensinh.hou.edu.vn

Thí sinh có tên trong Danh sách thí sinh trúng tuyển, phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký nhập học vào trường. Hạn cuối nộp Giấy chứng nhận kết quả thi về Viện Đại học Mở Hà Nội là 17h00 ngày 17/08/2016 (thí sinh có thể nộp trực tiếp tại Viện Đại học Mở Hà Nội hoặc nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, thời gian tính theo dấu bưu điện). Quá thời hạn này, những thí sinh không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi về trường được xem như từ chối nhập học vào Viện Đại học Mở Hà Nội.

PHẦN 2. MÔ TẢ VỀ CÁC MÔN NĂNG KHIẾU VẼ

A. MÔN HÌNH HỌA

I. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ HÌNH HỌA

1. Khái niệm cơ bản về hình họa:

- Hình họa giúp học sinh khả năng quan sát, mô tả đối tượng một cách khách quan thực tế mà mắt ta quan sát được bằng đường nét, mảng miếng, hình khối, sáng tối… để tạo không gian trên mặt phẳng. Không gian trong hình họa có thể là một màu hoặc nhiều màu.

- Hình hoạ là môn vẽ người hoặc vật tương đối kỹ và chính xác, được thể hiện bằng nhiều kỹ thuật và chất liệu khác nhau như chì đen, than, màu bột, sơn dầu...

- Hình họa nhằm rèn luyện khả năng quan sát, vẽ lại đối tượng nhìn thấy. Qua đó rèn luyện khả năng cảm thụ, cảm xúc và thị hiếu thẩm mỹ... về hình, đồng thời giúp người vẽ hiểu được vẻ đẹp của hình khối, đường nét, đậm nhạt trong tự nhiên và mối quan hệ giữa chúng với nhau.

- Có nhiều cách gọi khác nhau về hình họa như: Hình họa, Vẽ theo mẫu, Vẽ tả thực,…

2. Vai trò của hình họa:

- Hình họa là môn học cơ bản của hội họa, có tác động bổ sung, hỗ trợ cho các môn học khác trong ngành Mỹ Thuật như: ký họa, vẽ bố cục, Trang trí, Điêu khắc… cũng như các Ngành Nghệ thuật khác liên quan đến thẩm mỹ  như : Thiết kế Mỹ thuật công nghiệp, Kiến trúc, Điện ảnh, Sân khấu.

- Khả năng vẽ hình họa tốt sẽ giúp năng lực sáng tạo trong tạo dáng thẩm mỹ.

3. Vẽ các khối cơ bản:

- Khối cơ bản là bài học đầu tiên cho môn hình họa. Đó là những khối hình đơn giản, rõ ràng, độ sáng tối mạch lạc giúp người học bước đầu có thể quan sát, phân tích và nắm bắt một cách dễ dàng. Nhưng quan trọng hơn, đây là các khối hình cơ bản; sự khái quát các hình thể của tự nhiên, người, vật… đều xuất phát từ các khối hình này hoặc các khối hình biến dạng của chúng.

- Nghiên cứu các hình khối cơ bản và đồ vật bằng chất liệu chì, nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu về cấu tạo hình khối trong tự nhiên, tác động của ánh sáng và quy luật của mắt nhìn để tạo không gian của vật thể trên mặt phẳng, giúp người vẽ nhận thức đúng vai trò và vị trí quan trọng của khối cơ bản, đồ vật trong học tập và sáng tạo nghệ thuật.

4. Yêu cầu của một bài hình họa đạt yêu cầu cao:

Một bài vẽ tốt cần đạt được những yêu cầu sau:

- Bố cục hợp lý: sắp xếp hình vẽ trên tờ giấy hợp lý, cân đối, hài hòa giữa hình với nền, giữa hình với hình.

- Đúng tỷ lệ: Khái quát được hình dáng, đặc điểm của mẫu, tương quan tỷ lệ chung của mẫu đúng. Đồng thời, tỷ lệ của từng vật mẫu, từng bộ phận phù hợp với tổng thể của mẫu. Hình vẽ không bị méo mó, xiêu vẹo.

- Diễn tả tốt: Đậm nhạt đúng tương quan và không gian thực của mẫu. Diễn tả đậm nhạt tạo được chiều sâu (không gian ảo) của bài vẽ. Thông qua sự diễn tả bài vẽ có thể cảm nhận được chất và màu sắc của vật mẫu.

- Tính bao quát chung: Nét vẽ mạch lạc, thoải mái, không gian sáng tối, đậm nhạt tốt, diễn tả được đặc tính mẫu.

- Giàu chất biểu cảm: là bài vẽ giàu cảm xúc, tính thẩm mỹ cao cho bài hình họa.

Các yêu cầu trong bài vẽ hoà quyện nhau, hỗ trợ cho nhau mà không tách bạch.

II. MÔ TẢ VÀ MINH HỌA ĐỀ THI

- Tên môn thi: Hình họa

- Thời gian thi: 240 phút

- Yêu cầu về quy cách: Khổ giấy A2 (420mm x 594mm)

- Chất liệu thể hiện: bút chì đen

1. Ví dụ về đề thi (đề thi chỉ là ví dụ minh họa):

Với 3 khối cơ bản bao gồm: Khối hình hộp, Khối hình cầu, Khối hình tam giác được sắp xếp theo bố cục sau:  Khối hình hộp nằm chính giữa, Khối hình tam giác nằm chếch 45% bên trái, Khối hình cầu bên phải (có hình hướng dẫn chi tiết kèm theo).

Yêu cầu: Bằng chất liệu chì đen, Anh (Chị) hãy thể hiện các khối hình cơ bản trên trong mối tương quan về hình, khối, tỷ lệ, đậm nhạt và tạo được không gian của mẫu, có chất biểu cảm.

  • Một số bài mẫu vẽ khối cơ bản

 

 

2. Tiêu chí đánh giá và chấm điểm bài thi Hình họa (thang điểm 10, tính hệ số 2)

- Bố cục, tỉ lệ:                                            1,0 điểm

- Dựng hình - khối:                                    4,0 điểm

- Đậm - nhạt (sáng tối):                             3,0 điểm

- Chất biểu cảm, kỹ thuật thể hiện:           2,0 điểm

Tổng điểm:  10,0 điểm

 

 

B. MÔN BỐ CỤC MÀU

I. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ BỐ CỤC MÀU

1. Khái niệm cơ bản về Bố cục màu:

- Khả năng khái quát cao về họa tiết cách điệu, sắp xếp họa tiết trong bố cục chặt chẽ

- Sử dụng màu sắc hài hòa cho bài bố cục.

2. Vai trò của bố cục màu:

- Bố cục màu là môn học cơ bản trong nghệ thuật trang trí, giúp sinh viên có cái nhìn sự vật một cách khái quát, cô đọng, hỗ trợ nhiều đến khả năng cách điệu họa tiết, sắp xếp bố cục và phối màu trong các ngành học thiết kế như: Thiết kế đồ họa, Thời trang và Nội thất...

- Khả năng bố cục màu tốt sẽ giúp năng lực sáng tạo trong tạo dáng thẩm mỹ.

3. Họa tiết cách điệu và sắp xếp bố cục:

- Họa tiết cách điệu là yêu cầu đầu tiên cho môn bố cục màu, trước hết ta phải hiểu rõ được khái niệm về ngôn ngữ cách điệu: Tính khái quát, cô đọng và lược giản là cần thiết cho một họa tiết cách điệu.

- Sắp xếp bố cục cũng đóng vai trò quan trọng trong bài bố cục màu, đòi hỏi sinh viên phải bố cục chặt chẽ, các yếu tố chính - phụ phải rõ ràng.

4. Yêu cầu của một bài bố cục màu đạt yêu cầu cao:

Một bài bố cục màu tốt cần đạt được những yêu cầu sau:

- Họa tiết cách điệu dễ đọc, đường nét đơn giản.

- Sắp xếp bố cục hài hòa, cân đối và chặt chẽ.

- Các thành phần chính phải rõ ràng và hài hòa với các thành phần phụ.

- Màu sắc đẹp, diễn tả được không gian của màu sắc, giàu chất biểu cảm có tính thẩm mỹ cao.

 

II. MÔ TẢ VÀ MINH HỌA ĐỀ THI

- Tên môn thi: Bố cục màu

- Thời gian thi: 240 phút

- Yêu cầu về quy cách: Khổ giấy A2 (420mm x 594mm)

- Chất liệu thể hiện: bột màu

1. Ví dụ về đề thi (đề thi chỉ là ví dụ minh họa):

Anh hay chị sử dụng họa tiết (con vật...) cách điệu, bố cục tự do (không đăng đối) trong hình vuông, tròn...), kích thước (30cm x 30cm...), hòa sắc tự chọn.

- Một số bài mẫu môn Bố cục màu:

2. Tiêu chí đánh giá và chấm điểm bài thi Bố cục màu (thang điểm 10, tính hệ số 2)

- Họa tiết cách điệu:                                  2,0 điểm

- Sắp xếp bố cục:                                       3,0 điểm

- Màu sắc biểu cảm, giàu tính thẩm mỹ:    3,0 điểm

- Chính - phụ rõ ràng:                                2,0 điểm

Tổng điểm:  10,0 điểm

C. MÔN VẼ MỸ THUẬT

I. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ VẼ MỸ THUẬT

Vẽ mỹ thuật  là một trong các môn học cơ bản của ngành kiến trúc, mỹ thuật nhằm rèn luyện khả năng cảm thụ và thể hiện nghệ thuật hội họa thông qua sự biểu đạt bằng hình,khối, đường nét, gợi (mô tả) không gian, mầu sắc, sáng tối, tương quan đậm nhạt.

 

Các yếu tố thẩm mỹ của bài vẽ mỹ thuật

1. Tỉ lệ và bố cục: Sự hài hòa về kích thước giữa các thành phần với nhau và trong tổng thể

2. Tương quan: Các chiều của không gian được thể hiện qua hình, khối , chất liệu , ánh sáng, đậm nhạt, xa gần…

3. Tính biểu cảm.

II. MÔ TẢ VÀ MINH HỌA ĐỀ THI

- Tên môn thi: Vẽ mỹ thuật

- Thời gian thi: 240 phút

- Yêu cầu về quy cách: Khổ giấy A2 (420mm x 594mm)

- Thí sinh làm bài bằng bút chì đen

1. Ví dụ về đề thi (đề thi chỉ là ví dụ minh họa):

Dạng 1: Thí sinh vẽ nhóm tĩnh vật bao gồm các chất liệu khác nhau như sau:

  • Chai và cốc thủy tinh
  • Ấm bằng Inoc
  • Quả táo
  • Quạt nan
  • Lọ gốm
  • Chén sứ
  • Quyển sách

  Đối với dạng đề thi này thí sinh cần chú ý sử dụng sắc độ đậm nhạt của chì để biểu hiện hình khối và đặc biệt là chất liệu của các vật mẫu.

         

 

Dạng 2: Thí sinh vẽ nhóm tĩnh vật bao gồm các khối hình khác nhau như sau:

  • Khối cầu
  • Khối lập phương
  • Khối nón
  • Khối đa diện
  • Khối trụ

  Đối với dạng đề thi này thí sinh cần chú trọng việc dựng các hình khối khác nhau và khoảng cách xa gần trước sau của các mặt .

         

 

 

2. Tiêu chí đánh giá và chấm điểm bài thi Vẽ mỹ thuật (thang điểm 10, tính hệ số 2)

- Bố cục :                           3,0 điểm

- Tạo hình :                        3,0 điểm

- Không gian:                    2,0 điểm

- Biểu cảm:                        1,0 điểm

- Kỹ thuật thể hiện:           1,0 điểm

                Tổng điểm:  10 điểm

Trên đây là những hướng dẫn về kỳ thi năng khiếu vẽ vào 2 Khoa Kiến trúc và Tạo dáng Công nghiệp của Viện Đại học Mở Hà Nội.

Thí sinh cần biết thêm thông tin chi tiết, liên hệ các số điện thoại sau :

- Điện thoại Khoa Kiến trúc : 04.36231782

- Điện thoại Khoa Tạo dáng công nghiệp : 04.38693786, 04.35763604

- Điện thoại Phòng Đào tạo : 04.38694821    Email:    daotao@hou.edu.vn

- Điện thoại hotline của Hội đồng tuyển sinh : 04.62974545, 04.62974646

VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

 

Lượt xem: 43418